Xanh hóa logistics – Từ nhận thức tới hành động
17/06/2024
Ngày 3/8/2024, tại Hội thảo “Xanh hóa logistics Việt Nam – Từ nhận thức tới hành động” – một hoạt động trong khuôn khổ VILOG 2024 được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), nhiều giải pháp trong chuỗi logistics được các chuyên gia chia sẻ nhằm đưa hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Nếu không đáp ứng, sẽ bị loại khỏi chuỗn cung ứng
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, nhiệm vụ xanh hóa logistics, giảm phát thải không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp, nếu không đáp ứng được sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương cho biết, chuỗi dịch vụ logistics, như: hỗ trợ vận chuyển sản xuất, lưu thông hàng hóa… đều phát sinh phát thải, đặc biệt các phương tiện vận tải, các kho bãi… nếu không đảm bảo vấn đề xanh hóa sẽ bị loại ra khỏi chuỗn cung ứng.
Lấy ví dụ từ yêu cầu của khách hàng, ông Hải chia sẻ, trước khi hợp tác về lĩnh vực logistics, đối tác sẽ hỏi các chứng chỉ về kho bãi, dịch vụ vận tải, giao nhận… đều phải đáp ứng được. Như vậy, việc xanh hóa logistics không phải xa xôi mà hiện hữu ngay trước mắt. “Doanh nghiệp thấy được vai trò và bức thiết của xanh hóa các dịch vụ trong chuỗi logistics để có sự quan tâm đầu tư, chuyển đổi các hoạt động trong chuỗi, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng”- Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030. Với ngành logistics, “xanh hoá” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng Ban Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần OPL Logistics chia sẻ, xanh hóa logistics nhằm giảm tác động tiêu cực của hoạt động logistics, cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Dẫn số liệu khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thể hiện trong báo cáo mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh năm 2022, bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết phải chuyển đổi xanh, 48,8% doanh nghiệp vận tải kho bãi đánh giá cần thiết phải chuyển đổi xanh; nhưng trên 68% doanh nghiệp logistics chưa chuẩn bị gì cho việc sẵn sàng hành động.
Ba thách thức lớn
Báo cáo Logistics 2022 cho thấy, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc thúc đẩy các giải pháp logistics xanh là điều cấp thiết. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp logistics, hành trình xanh hóa là một quảng đường dài và có rất nhiều thách thức.
Theo bà Phạm Thị Lan Hương, có rất nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó có 3 khó khăn lớn nhất: nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải, chuyển đổi xanh; nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải; các giải pháp kỹ thuật cụ thể phù hợp.
Từ thực tế trên, giải pháp đối với doanh nghiệp, đó là chuyển đổi phương thức vận tải đường bộ, sang đướng thủy, đường biển, đường sắt; tự động hóa giải pháp kho bãi, chuyển đổi việc sử dụng phương tiện chạy bằng dầu sang sử dụng chạy bằng năng lượng điện; giảm thủ tục hành chính bằng việc liên kết thông tin với cơ quan quản lý, giảm đi lại, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động, góp phần xanh hóa, giảm tác động tới môi trường tối ưu mạng lưới vận chuyển
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp logistics cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hoá thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu…
Nguồn: vla.com.vn